VIỆT NAM là một trong những thành công về kinh tế trong 30 năm qua. Mặc dù hiện nay, với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.400 đôla theo sức mua tương đương, tuy chưa phải là một nước giàu, song Việt Nam đã đạt được những thành tích giảm nghèo nổi bật: chỉ trong vòng ba thập kỷ, biến một quốc gia trong đó tình trạng nghèo là phổ biến trở thành một quốc gia với tỷ lệ nghèo chỉ còn khoảng 10% theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Bản thân thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng gấp 10 lần trong giai đoạn này.
Tại sao vào thời điểm năm 1980, Việt Nam lại nghèo như vậy? Tại sao sau đó Việt Nam lại phát triển nhanh chóng? Các nhà kinh tế học và các nhà khoa học xã hội đã đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau cho những sự kiện kiểu này. Một số người cho rằng sự thành công kinh tế của một quốc gia hoặc khu vực được xác định bởi vị trí địa lý hay điều kiện sinh thái của nó. Các học giả này đặc biệt quan tâm đến việc một quốc gia có nằm trong khu vực nhiệt đới hay không. Theo họ, vì Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới giữa hạ chí tuyến và xích đạo nên tiềm năng kinh tế nội tại của nó chỉ có giới hạn. Nhưng sự thay đổi sâu sắc trong quỹ đạo kinh tế của Việt Nam trong 30 năm qua không hề liên quan tới sự thay đổi vị trí địa lý. Một số người khác sẽ lập luận rằng văn hóa của một dân tộc, các chuẩn mực xã hội, các giá trị, hay đạo đức làm việc sẽ quyết định sự thành công hay thất bại về kinh tế. Nhưng một lần nữa, văn hóa Việt Nam đã không thay đổi kể từ thập niên 1980 trở lại đây. Cuối củng, nếu bạn tham dự các lớp kinh tế phát triển ở các khoa kinh tế học hàng đầu thế giới, bạn sẽ được học là chúng ta đơn giản không biết tại sao Việt Nam đã nghèo trong gần suốt lịch sử của mình nhưng gần đây lại tăng trưởng nhanh chóng. Có lẽ là do cuối cùng Việt Nam cũng có được những nhà kinh tế học tài ba, hoặc nhờ đổi mới tư duy, hoặc đơn giản chỉ là do may mắn.
Cuốn sách này cung cấp các công cụ thích hợp để hiểu tại sao Việt Nam đã từng rất nghèo và tại sao tình trạng nghèo này bắt đầu thay đổi từ thập niên 1980. Nó cũng giúp chúng ta hiểu được liệu những thay đổi diễn ra ở Việt Nam trong ba thập niên vừa qua có bền vững hay không. Lịch sử trì trệ và sự tăng trưởng gần đây ở Việt Nam không xuất phát từ các nguyên nhân địa lý hay văn hóa mà xuất phát từ những quy tắc — hay thể chế — mà bản thân xã hội Việt Nam đã tạo ra. …